Việc UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành văn bản "truy" trách nhiệm, yêu cầu các đơn vị báo cáo là vì trước đó khi các cơ quan báo chí truy vấn trách nhiệm để lọt 2.900 tấn giá ngâm chất cấm ra thị trường thì những đơn vị liên quan "đá" trách nhiệm cho nhau.
Theo đó, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế) chỉ sang Sở NN&PTNT rồi Thanh tra Sở NN&PTNT nói sản phẩm bán ra thị trường thì hỏi bên Sở Công Thương...
Một chuyên gia đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ rằng để xảy ra vụ việc, nhìn nhận khách quan thì có sự chồng chéo trong việc quản lý sản xuất, đóng gói, bán sản phẩm (thực phẩm) ra thị trường. Theo đó, với 1 bịch giá thì có 3 cơ quan (nông nghiệp, y tế, công thương - PV) quản lý nhưng vẫn để chất cấm lẫn vào.
Ông Đỗ Tuấn Hưng, chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTTN Đắk Lắk), xác nhận đơn vị có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất giá Lâm Đạo.
Giấy chứng nhận này là xác nhận cơ sở vật chất trong sơ chế của doanh nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm. Còn với khâu sản xuất, đơn vị này không kiểm tra được trừ khi thanh kiểm tra đột xuất. Ngoài ra, để phát hiện sai phạm cần phải lấy mẫu giám định hoặc triển khai chuyên đề mới xác định được.
"Việc ông Đạo (chủ cơ sở Lâm Đạo) đóng gói sản phẩm rồi dán mác việc được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm đưa đi tiêu thụ là sai. Chúng tôi không chứng nhận cho sản phẩm giá của ông Đạo đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đó là sự nhập nhèm của cơ sở này", ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm này được cấp trong 3 năm, từ tháng 4-2024 đến tháng 4-2027, và chỉ kiểm tra sau mỗi năm. Khi cấp giấy chứng nhận, đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm giám sát việc sơ chế sản phẩm có đảm bảo hay không.
Do thiếu kiểm tra, đến khi công an khởi tố vụ án mới nắm thông tin. "Tuy nhiên, do mặt hàng giá và hoạt chất 6 - Benzylaminopurin dùng trong ngâm ủ giá còn quá mới nên chưa được đưa vào tầm ngắm kiểm tra kỹ như hàn the, các hóa chất khác trong sản xuất nem, giò...", ông Hưng nói thêm.
Trong khi đó, nguồn tin bên Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết tất cả các ngành liên quan đều có chức năng giám sát nên để xảy ra việc thực phẩm có ngâm chất cấm đến người tiêu dùng đều có trách nhiệm. Tuy nhiên, việc quy định kiểm soát các mặt hàng thực phẩm hiện nay quá chồng chéo, dẫn đến việc kiểm tra kiểm soát không chặt, không kỹ từng khâu.
"Muốn thực hiện chức năng kiểm tra thì phải xem lại thẩm quyền của các đơn vị. Thanh kiểm tra doanh nghiệp mà mình không đúng chức năng nhiệm vụ cũng sẽ bị khiếu nại, khiếu kiện. Đoàn liên ngành lập để kiểm tra rốt ráo hàng ngàn sản phẩm, mặt hàng thực tế là quá khó khăn", người này phân trần.