Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn

Admin

Nụ cười mùa Giáng sinh ở 

Bệnh viện Bến Sắn

Mùa Giáng sinh 2024 cũng là lúc những Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 1.

Bệnh viện Bến Sắn trang hoàng hoa đèn dịp Giáng sinh

Noel về, những chiếc hang đá là thành quả làm việc suốt 3 ngày liên tục của các điều dưỡng viên và hộ lý của bệnh viện. 

Đây cũng là một trong những dịp hiếm hoi để khu vực dưỡng lão được khoác lên mình những màu sắc khác nhau, mang đến cho những bệnh nhân nơi đây thêm cảm xúc tích cực trong cuộc sống.

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 3.

Bệnh viện Bến Sắn nhìn từ trên cao

"Đa số họ đã gắn bó tại đây hơn nửa đời người. Những ký ức buồn vui của họ đều gắn liền với nơi này" - anh Ngô Trung Hiếu, đại diện Bệnh viện Bến Sắn, cho biết.

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 4.

Bệnh nhân được chăm sóc tại Bệnh viện Bến Sắn

Hiu quạnh, nhưng không đơn độc

"Giáng sinh về, hoa đèn quá đẹp làm chúng tôi náo nức" - ông Trần Văn Giới (quê Đà Nẵng) thốt lên khi đang cố gắng dùng đôi tay không còn nguyên vẹn sắp đặt lại vị trí của những bức tượng trong hang đá.

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 6.

Ông Trần Văn Giới bên khu trang trí tiểu cảnh đón Giáng sinh của Bệnh viện Bến Sắn

Chập tối, mọi người quây quần bên những tiểu cảnh, hoa đèn. Nhiều người vui vẻ chụp ảnh. 

Theo ông Giới, cũng như những năm trước, mùa Giáng sinh năm nay đến với những bệnh nhân phong tại Bệnh viện Bến Sắn một cách nhẹ nhàng, đủ ấm áp để bớt sự hiu quạnh. 

Ông Giới mắc bệnh phong từ năm 19 tuổi. Năm 2001, ông chuyển vào Bệnh viện Bến Sắn để điều trị và dần trở thành một trong những bệnh nhân lớn tuổi nhất tại đây. 

Trước đó, ông có một người vợ và ba người con. Sau một lần bị tai nạn giao thông, vợ ông mất. "Đó là khoảng thời gian rất khó khăn với tôi", ông Giới bộc bạch.

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 7.

Ông Giới và những bệnh nhân khác quây quần cùng nhau mỗi tối, bên khu tiểu cảnh nhiều hoa đèn dịp Giáng sinh

Kể từ khi vào Bệnh viện Bến Sắn, ông Giới sớm hòa nhập và xem đây như ngôi nhà chung của mình. 

Hằng ngày, ông chăm di chuyển, thích ứng với những biến đổi trong cơ thể bệnh tật. Trong mắt ông Giới luôn đầy những màu xanh hy vọng.

Và tại đây, ông Giới nên duyên chồng vợ với bà Nguyễn Thị Gái, cũng là một bệnh nhân phong, từ năm 2007. Duyên phận của hai người được các con động viên, ủng hộ.

Cách nhau một dãy nhà, cả hai ông bà thường xuyên đẩy xe lăn để gặp nhau và nhắc nhau chuyện uống thuốc, ăn uống...

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 8.

Ngôi nhà chung của những bệnh nhân

Cách đó không xa, tại căn phòng dưỡng lão nữ, bà Nguyễn Thị Miên (quê Bình Định) đang tranh thủ sắp xếp quần áo từ chiếc vali mới tinh để sang phụ các hộ lý treo đèn xung quanh hang đá.

Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, bà Miên bắt đầu cuộc sống mới tại Bệnh viện Bến Sắn cách đây ba tuần.

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 10.

Bà Nguyễn Thị Miên tươi cười khi có người trò chuyện

Bà Miên được chẩn đoán mắc bệnh phong từ năm 14 tuổi. Trước đây, bà điều trị tại làng phong Quy Hòa (tỉnh Bình Định). 

Thời điểm phát hiện bệnh, cuộc sống của bà gần như đảo lộn hoàn toàn khi từ người lành lặn bỗng chốc thành người bị hạn chế khả năng vận động.

Ngồi một mình giữa căn phòng dưỡng lão nữ, ánh mắt đăm chiêu nhìn về phía xa xăm, có lẽ Giáng sinh năm nay bà Miên không được đoàn tụ với gia đình như mọi năm. 

"Ở quê có con cháu, anh em tranh thủ cuối năm lại thăm, mình cũng bớt cô đơn. Giờ thì chuyển vào đây, không biết khi nào được gặp lại người thân", bà Miên tâm sự.

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 11.

Bà Nguyễn Thị Miên thường lên những cơn đau nhưng vẫn luôn lạc quan

Bà Miên cho biết tuy chỉ là người mới nhưng bà luôn được các bệnh nhân khác chào đón niềm nở. Điều này khiến cho bà phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà.

Nên duyên vợ chồng ở Bến Sắn

Tại Bệnh viện Bến Sắn, chuyện tình của vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảy (quê Long An) và bà Trần Thị Nương (quê Tiền Giang) được nhiều người chia sẻ mỗi khi có khách ghé thăm.

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 12.

Bà Trần Thị Nương trìu mến nhìn chồng

"Ông rất thương vợ. Đi đâu ông cũng đưa vợ theo. Đến giờ ăn thì chia sẻ phần ăn của mình cho vợ...", một hộ lý chia sẻ.

Ông Bảy và bà Nương gặp nhau tại bệnh viện vào năm 2003. Khi đó ông Bảy đang điều trị phong tại Bến Sắn được 2 năm, còn bà Nương làm quét dọn tại bệnh viện.

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 13.

Đôi tay ấm áp của đôi vợ chồng Nguyễn Văn Bảy - Trần Thị Nương

Hai ông bà đã cùng nhau dìu dắt suốt 21 năm, qua biết bao biến cố. Mỗi khi được nhắc lại, ông Bảy vẫn rơm rớm nước mắt kể về sự hy sinh của vợ ông.

"Tôi bị phong từ năm 15 tuổi. Đến năm 21 tuổi, bệnh trở nặng khiến hai đôi chân của tôi bị liệt. Trước đó mọi sinh hoạt của tôi đều rất khó khăn. Sau này khi tôi cưới bà Nương, bà chăm lo cho tôi từng chút một, từng miếng ăn cho đến giấc ngủ", ông Bảy trải lòng.

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 14.

Khoảnh khắc ấm áp của hai vợ chồng ông Bảy ở tuổi xế chiều

Khi đến độ tuổi xế chiều, căn bệnh đã khiến cho đôi chân của bà khó khăn khi di chuyển. Giờ đây, đến lượt ông Bảy chăm sóc lại cho bà.

Bệnh viện Bến Sắn được thành lập vào năm 1959, do soeur Rose và soeur Mathilde Thanh quản lý, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phong với tên gọi Dưỡng đường Bến Sắn. Năm 1979, Dưỡng đường Bến Sắn được UBND TP.HCM công nhận với tên gọi Khu điều trị phong trực thuộc Sở Y tế TP.HCM.

Đến năm 2024, Khu điều trị phong được chuyển chức năng thành Bệnh viện Bến Sắn. Hiện bệnh viện đang tiếp nhận gần 200 bệnh nhân. Trong đó, 120 bệnh nhân đang được điều trị, chăm sóc nội trú.

Nụ cười ngày cuối năm tại Bệnh viện Bến Sắn - Ảnh 16.

Nội dung và hình ảnh: NGUYỄN THÔNG - VĂN TRUNG - HOÀNG GIÁM