Tại hội thảo, ông Hà Anh Đức, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết mỗi năm có khoảng 250.000 người chết tại bệnh viện, 750.000 người chết ngoài bệnh viện. Con số này cho thấy được tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện.
"Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ tham mưu để xây dựng một đề án cấp cứu ngoại viện hoàn chỉnh. Đề án này gồm nhiều nội dung từ chuyên môn, cơ chế tài chính, sự phối hợp liên ngành..." - ông Đức nhấn mạnh.
Việt Nam có mấy mô hình cấp cứu ngoại viện?
Ông Khương Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, cho biết cấp cứu ngoại viện hiện nay chưa được tổ chức, điều hành theo một đầu mối. Một số địa phương đã giao đầu số cấp cứu 115 cho tư nhân, nên Sở Y tế không còn quản lý điều phối cấp cứu ngoại viện.
Ông Anh Tuấn nhận xét Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố có trung tâm cấp cứu ngoại viện khá hoàn chỉnh trong điều kiện của Việt Nam. Nghệ An đã chuyển hết cấp cứu ngoại viện cho tư nhân, Lào Cai và Vĩnh Long lại có mô hình hoàn khác, các trung tâm vận chuyển cấp cứu, khi cần nhân lực lại hợp đồng với các bệnh viện công lập. Đây là 3 mô hình cấp cứu ngoại viện cơ bản tại Việt Nam.
Nhân lực cấp cứu ngoại viện chủ yếu kiêm nhiệm và chưa được đào tạo. Chỉ có 37% nhân lực cấp cứu ngoại viện được đào tạo bài bản. Có 17/63 tỉnh thành chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về chỉ số xe trên đầu dân (WHO 1/100.000 người dân), số lượng xe đạt chuẩn chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu.
Hiện chưa có cơ chế mua sắm, duy trì vận hành xe cứu thương cũng như thiếu cơ chế điều phối huy động các nguồn lực xe cứu thương khác trên địa bàn tham gia cấp cứu ngoại viện. Danh mục thuốc, trang thiết bị chưa được xây dựng phù hợp và dựa trên yêu cầu của cấp cứu ngoại viện.
"Trong thời đại số này, điều phối cấp cứu cần có ứng dụng hiện đại, mong thứ trưởng nghiên cứu đưa AI vào trong cấp cứu ngoại viện", ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã gợi mở.
Tương tự, ông Nguyễn Thành, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cũng đề xuất nên xây dựng một hệ thống cấp cứu ngoại viện thông minh, có ứng dụng AI.
Cấp cứu ngoại viện đã đi vào cuộc sống
Còn theo ông Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, địa bàn TP.HCM khá đặc thù với hơn 130 bệnh viện. Cho đến hiện tại, Trung tâm cấp cứu 115 với 43 trạm cấp cứu vệ tinh, không phân biệt công lập hay tư nhân. Ngoài cấp cứu đường bộ, TP.HCM đã đa dạng hóa loại hình cấp cứu đó là đường thủy.
Trạm cấp cứu 115 đường thủy trực thuộc Trung tâm cấp cứu 115 đặt tại huyện Cần Giờ, được đầu tư tàu cứu thương chuyên dụng nhằm triển khai loại hình cấp cứu đường thủy.
Hình thành trạm cấp cứu 115 đường hàng không trực thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 đặt tại Bệnh viện Quân y 175 nhằm triển khai loại hình cấp cứu đường không. Cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM đã đi vào cuộc sống người dân.
Hiện nay cấp cứu ngoại viện chưa được bảo hiểm y tế thanh toán, trong khi một ca bệnh ngưng tim, ngưng thở nếu vào bệnh viện thì sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán. Do vậy, ông Dũng đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán cho cấp cứu ngoại viện.
Ông Nguyễn Thành cho rằng cấp cứu ngoại viện tốt sẽ giảm tỉ lệ tử vong. Với nguồn lực hiện nay, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội mới đáp ứng được 10% nhu cầu thực tế.
Ông Thành cho rằng cấp cứu 115 là dịch vụ an sinh xã hội, nên khi người bệnh gọi cấp cứu 115 đều có mặt. Tuy nhiên, trong 30.000 ca cấp cứu/năm đơn vị chỉ thu tiền được khoảng 50%, do nhiều ca bị tai nạn giao thông, nhiều ca là người nghèo. Từ đầu năm 2015, Cấp cứu 115 Hà Nội bắt đầu phải tự chủ tài chính, đây cũng là nỗi lo của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế: "Rất thiếu và rất yếu"
"Hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện của chúng ta còn rất thiếu, rất yếu, thiếu về con người, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo, thiếu về cơ chế tài chính, chức danh nghề nghiệp. TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố đã đi đầu trong cả nước về cấp cứu ngoại viện tuy còn rất nhiều khó khăn" - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.
Thứ trưởng Thuấn cho rằng không chỉ từ ngân sách nhà nước, mà cần huy động mọi nguồn lực xã hội, công, tư... cho hệ thống cấp cứu ngoại viện.
Ông Thuấn đề xuất giao cho Cục Khoa học đào tạo kết hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh, Viện Chiến lược và Chính sách y tế... khảo sát đánh giá nhu cầu về nguồn nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng, thiết bị của cấp cứu ngoại viện trên toàn quốc.
Từ đó xây dựng chuẩn năng lực cấp cứu viên, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra sắp tới để đánh giá bởi hội đồng y khoa quốc gia cho chức danh này.
Đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh kết hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng chức danh nghề nghiệp cho cấp cứu viên ngoại viện.
Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối xây dựng đề án về cấp cứu ngoại viện giai đoạn 2025-2030, xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể và hoàn thành trước tháng 6-2025. Đây là đề án sẽ trình Chính phủ.