Chuyển đổi số đã 'chạm từng ngõ, gõ từng nhà'

Admin

Chuyển đổi số đã len lỏi vào từng thôn xóm, bản làng, khu phố, mang lại thay đổi tích cực đến cuộc sống của từng người dân, đúng như chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 8 Uỷ ban Chuyển đổi số Quốc gia, “chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.

Nhiều kết quả nổi bật

Tại tỉnh miền núi Lạng Sơn những năm trước, số lượng điểm ATM ngân hàng rất ít, chủ yếu tập trung tại địa bàn thành phố và trung tâm các huyện. Vì vậy, việc nộp rút tiền hay chuyển tiền của người dân và giáo viên đóng bản gặp rất nhiều khó khăn.

Chuyển đổi số đã 'chạm từng ngõ, gõ từng nhà' ảnh 1

Đến nay, hầu hết các tỉnh/thành trên cả nước đã đưa Trung tâm điều hành thông minh vào hoạt động. Trong ảnh là Trung tâm điều hành thông minh của TP Đà Lạt.

Với mong muốn mỗi xã có một ATM để thuận lợi cho người dân và các thầy cô, Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn triển khai mô hình ATM mềm, giúp người dân, thầy cô sử dụng ứng dụng ngân hàng di động để nạp/rút tiền từ các ngân hàng tại các điểm bưu điện văn hóa xã trên toàn tỉnh. Đến nay, mô hình đã phủ sóng ở hầu hết xã, thị trấn, mang lại nhiều thuận tiện cho bà con thôn bản và các thầy cô giáo.

Ví dụ sinh động khác trong câu chuyện chuyển đổi số là phát triển nông thôn thông minh ở thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đây, mỗi khi có thông tin liên quan, cán bộ thôn Vũ Di phải sử dụng loa truyền thanh hoặc đến trực tiếp các hộ dân để thông báo. Giờ đây, với ứng dụng Zalo, người dân địa phương đã nhận được thông tin mọi lúc, mọi nơi, giúp các công việc chung được triển khai hiệu quả.

Có thể nói đến nay, chuyển đổi số đã góp phần thay đổi từng bản làng, thôn xóm, khu phố, góp phần quan trọng vào hoạt động điều hành của chính quyền các địa phương và cao hơn nữa là thúc đẩy chính phủ số, xã hội số và kinh tế số của đất nước.

Đặc biệt, sau hơn 2 năm triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), Việt Nam đã tạo lập nền tảng quan trọng hình thành hệ sinh thái công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Những con số biết nói có thể kể tới như: Hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân trong độ tuổi; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VNeID); tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện; 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe; 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế…

Đánh giá quốc tế về chuyển đổi số của Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực như: chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.

Chuyển đổi số đã 'chạm từng ngõ, gõ từng nhà' ảnh 2

Người dân được hướng dẫn làm thủ tục trực tuyến tại nhà văn hóa phường Dịch Vọng Hậu.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek).

Những “trái ngọt” kể trên không tự nhiên mà có. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định và 2 chỉ thị. Các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và kiện toàn thành viên Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương.

Tiếp tục 3 tăng cường, 5 đẩy mạnh

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng quá trình chuyển đổi số của Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn như: việc hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chậm; phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều thách thức...

Trong Thông báo kết luận phiên họp thứ 8 của Uỷ Ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tập trung chỉ đạo quyết liệt với tinh thần “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh”.

"3 tăng cường" gồm tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.

"5 đẩy mạnh" gồm đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Cuối cùng là đẩy mạnh an toàn thông tin mạng, an ninh mạng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Theo các chuyên gia, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên giúp nước ta từng bước đạt được mục tiêu vào năm 2030 là trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, đổi mới căn bản toàn diện hoạt động quản lý điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống và làm việc của người dân, hướng tới phát triển môi trường an toàn, nhân văn và rộng khắp, theo Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.